Thời Hậu Đường Mạnh Sưởng (Hậu Thục)

Năm 923, Lý Tồn Úc xưng là hoàng đế của triều Hậu Đường, tức Hậu Đường Trang Tông, sau đó thôn tính Hậu Lương.[7] Năm 925, Hậu Đường Trang Tông khiển quân đi chinh phục nước Tiền Thục ở tây nam[chú 1]. Sau đó, Hậu Đường Trang Tông bổ nhiệm Mạnh Tri Tường là Tây Xuyên[chú 2] tiết độ sứ, cai quản một lãnh thổ lớn của Tiền Thục lúc trước. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, toàn lãnh thổ Hậu Đường ngập chìm trong nội loạn,[8] và Hậu Đường Trang Tông bị sát hại trong một cuộc binh biến tại kinh thành Lạc Dương vào năm 926. Kế vị Hậu Đường Trang Tông là Lý Tự Nguyên, tức Hậu Đường Minh Tông.[9]

Mạnh Tri Tường có mâu thuẫn với chính quyền một thời gian ngắn sau đó, đặc biệt là với Xu mật sứ An Trọng Hối (安重誨) đầy quyền lực, vị quan này nghi ngờ cả Mạnh Tri Tường (do có quan hệ hôn nhân với họ hàng của Hậu Đường Trang Tông) và Đông Xuyên[chú 3] tiết độ sứ Đổng Chương (董璋). Căng thẳng bắt đầu leo thang, đặc biệt là sau khi Mạnh Tri Tường hành quyết Tây Xuyên đô giám Lý Nghiêm (李嚴) do Hậu Đường Minh Tông phái đến, vào năm 927.[9] Đương thời, Mạnh Tri Tường sai người đi hộ tống thê là Quỳnh Hoa trưởng công chúa, cùng mẹ con Mạnh Nhân Tán đến Tây Xuyên. Khi họ đến Phượng Tường[chú 4], tin tức về việc Mạnh Tri Tường hành hình Lý Nghiêm đã lan đến đây. Phượng Tường tiết độ sứ Lý Tòng Nghiễm do vậy giữ họ lại Phượng Tường một thời gian, song Hậu Đường Minh Tông sau đó ban lệnh cho phép học tiếp tục đến Tây Xuyên.[6][9] (Tuy nhiên, con trai của Quỳnh Hoa trưởng công chúa có vẻ như không được phép trở về Tây Xuyên.) Mạnh Nhân Tán được nhận định là thông minh khi còn thiếu niên, sau khi đến Tây Xuyên thì được trao chức Hành quân tư mã trong quân đội Tây Xuyên.[4]